Tường giải Chú Đại Bi (Phần 1)
Posted by Admin trên 06.06.2013
Chú Đại Bi, tiếng Sanskrit: Mahākaruṇā Dhāraṇī, tiếng Hán: 大悲咒 Da Bei Zhou (Đại Bi Chú) là một tác phẩm kinh điển của Phật Giáo Đại thừa, thuộc về thể loại mật giáo. Mặc dù có nhiều phiên bản, nhưng trải qua sự sàng lọc của thời gian, dường như có một bản thống nhất sử dụng trong các ấn phẩm của giáo hội Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam. Bản sử dụng tại Việt Nam tuy có thiếu mấy câu, nhưng về cơ bản là thống nhất với các bản nói trên.
Việc giải nghĩa Chú Đại Bi cũng đã được một số người thực hiện và có thể tìm thấy trên mạng. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ thì thấy việc giải thích ý nghĩa không rõ ràng, thậm chí hàm chứa những cách hiểu sai. Người viết bài này tận dụng kiến thức của riêng mình với các ngôn ngữ như Sanskrit, Hán, Nhật, Anh và một số ngôn ngữ khác tiến hành khảo cứu rộng rãi nhiều tài liệu khác nhau để đi đến cách hiểu tốt nhất về văn bản này.
Thời gian vừa qua, người viết bài này có dịp đi Đài Loan, và tìm thấy một bản Chú Đại Bi bằng tiếng Phạn có thể tin cậy được, dựa vào đó để chú giải. Sau đây là phần một gồm 12 câu.
Bản Sanskrit của Phật giáo Đài Loan
1. Namaḥ Ratna Trayāya
Việt âm: Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da ( 南无、喝啰怛那、哆啰夜耶)
Ý nghĩa: Kính lễ Tam bảo
Chú giải:
1.1 Nama về hình thức biến đổi theo từ kế tiếp, có thể viết thành Nama, Namo, Namaḥ, Namas. Về ý nghĩa, tiếng Hán dịch là 皈依 (Quy y) hay 頂禮 (Đảnh lễ), tiếng Anh diễn đạt từ này bằng các cụm từ như Oneness With/Adoration To/Refuge/Homage To. Ý nghĩa chung là Kính lễ.
1.2 Ratna tiếng Anh là jewel, gem là báu vật, bảo vật. Trayā là số ba (3). Chữ -ya cuối là tiếng đệm. Ratna Trayā ghép lại là ba báu vật hay còn gọi là Tam Bảo.
1.3 Tam Bảo (chữ Hán 三寶, tiếng Anh là Triple Gems/ Three Treasures, tiếng Sanskrit त्रिरत्न / रत्नत्रयtriratna / ratna-traya)bao gồm Phật Bảo 佛宝 (Buddha)、Pháp Bảo法宝 (Dhamma/Dharma) và Tăng Bảo僧宝 (Sangha), đây là nền móng của Phật giáo.
2. Namo Āryā
Việt âm: Nam mô a rị da (南无、阿唎耶)
2.1 Āryā tiếng Sanskrit có hai nghĩa, thứ nhất là một người đáng kính, đáng tin, thứ hai, theo nghĩa Phật giáo, là một người tin tưởng vào và hành xử theo Phật pháp, một người tu hành. Chữ Arya này từng được Đức Quốc Xã sử dụng để chỉ “dân tộc thượng đẳng”. Ở đây có nghĩa là Cao quý (Noble) hay Thánh (Holy) hay Đức/Ngài.
3. Valokite Śvarāya
Việt âm: Bà lô yết đế thước bát ra da (婆卢羯帝、烁钵啰耶)
3.1 Valokite tiếng Anh là See/Hear, tiếng Hoa là 觀 Quan/Quán.
3.2 Śvarā cũng có biến thể là īśvara, tiếng Hoa là 聖 (Thánh) tiếng Anh là Lord (Chúa tể). Ya là tiếng đệm.
3.3 Trong các văn bản xưa Đức Quán Thế Âm còn có tên là Avalokitasvara ghép từ ba chữ Ava là “Xuống”, Lokita là “Nhìn” và “Svara” nghĩa là “Âm thanh”. Chính vì vậy người Trung Quốc gọi tên Ngài là Quán Thế Âm, tức là “từ trên nhìn xuống và nghe được âm thanh của thế gian”.
3.4 Câu 2 và 3 ghép lại có ý tôn xưng danh hiệu Đức Quan Âm.
(2,3) Namo Āryā Valokite Śvarāya
Ý nghĩa: Kính lễ Đức Quan Âm
4. Bodhi-Sattvāya
Việt âm: Bồ Đề tát đỏa bà da (菩提萨埵婆耶)
Ý nghĩa: bồ tát (đấng hữu tình giác ngộ)
4.1 Bodhi là hiểu biết bản chất của vạn vật, nhất là quan hệ Nhân quả, tiếng Anh là Enlightenment hay Awakened, tiếng Hoa là 覺 Giác với nghĩa Giác ngộ.
4.2 Sattvā tiếng Hoa là Hữu tình 有情 tiếng Anh là Sentient Being, Sentient One. Hữu tình là các loài có tình cảm, phân biệt với những vật vô tri vô giác. Hữu tình cũng còn gọi là Sinh linh hay Chúng sinh. –Ya là tiếng đệm.
4.3 Bodhi-Sattvāya ở tiếng ta gọi tắt lại là Bồ Tát. Bồ tát là loài hữu tình có giác ngộ về nỗi khổ của tất cả chúng sinh, đồng tình và thông cảm với nỗi khổ đó, và phát nguyện cứu thoát chúng sinh ra khỏi những nỗi khổ đó.
5. Mahā Sattvāya
Việt âm: Ma ha tát đỏa bà da (摩诃萨埵婆耶)
Ý nghĩa: Ma ha tát (đấng hữu tình vĩ đại)
5.1 Maha tiếng Hoa là 大, tiếng Anh là Great, có nghĩa là to lớn, vĩ đại.
5.2 Sattvā đã giải nghĩa ở trên. Ghép lại Mahā Sattvāya có nghĩa là hữu tình vĩ đại hay sinh linh vĩ đại, tiếng Anh là Great Being, Great One, tiếng Hoa là 大士. Mahā Sattvāya hay nói tắt là Ma-ha-tát.
6. Mahā Kārunikāya
Việt âm: Ma ha ca lô ni ca da (摩诃、迦卢尼迦耶)
Ý nghĩa: Lòng đại bi
6.1 Maha là lớn, vĩ đại như nói trên
6.2 Kāruni có gốc Kāruna là lòng từ bi, tiếng Anh là Compassion hay Mercy, tính từ là compassionate/merciful, tiếng Hoa là 悲. Yếu tố kā trong tiếng Sankrit là yếu tố tạo danh từ có nghĩa “yêu thích, mong muốn”. Tiếng Hoa thể hiện kā bằng chữ 心 –Tâm/Lòng. Ya là tiếng đệm.
6.3 Mahā Kārunikāya ghép lại là Lòng/Tâm đại bi.
7. Oṃ
Việt âm: Án (唵)
Om, với chữ M đọc giọng mũi, là “âm thanh bí mật” hay “cái âm vang dữ dội”. Cũng có cách viết Aum. Tiếng Hoa phiên âm bằng chữ 唵 Án. Chữ này hay được sử dụng trong các thần chú. Trong Chú đại bi, chữ này được giải nghĩa là 皈依(Quy Y), tương tự như Namo.
8. Sarva Rabhaye
Việt âm: Tát bàn ra phạt duệ (萨皤啰罚曳)
8.1 Sarva: tiếng Sanskrit là Tất cả.
8.2 Rabhaye còn viết Raviye, tiếng Hoa là 尊Tôn, tiếng Anh là Saint.
8.3 Ghép 2 câu 7 và 8 lại có nghĩa sau đây
(7,8) Oṃ Sarva Rabhaye
Hán 皈依一切圣众 Quy y Nhất thiết Thánh chúng
Anh: Homage To All Saints
Ý nghĩa: Kính lễ Tất cả Tôn thánh
9. Sudhana Dasya
Việt âm: Số đát na đát tỏa (数怛那怛写)
9.1 Sudhana tiếng Hoa giải nghĩa là 正教chánh giáo hay 正語chánh ngữ. Tiếng Anh là Righteous Doctrine.
9.2 Dasya tiếng Hoa giải nghĩa là 喜悦语 Hỷ Duyệt Ngữ, có nghĩa là những lời vui vẻ dễ chịu.
Ý nghĩa: (Và) Những Lời dạy Hoan hỉ
10. Namas Kṛtvā Imaṃ Āryā
Việt âm: Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da (南无、悉吉栗埵、伊蒙阿唎耶)
10.1 Namas: dạng biến hình của Nama, có nghĩa Kính lễ.
10.2 Kṛtvā có nghĩa Xong, hoàn tất
10.3 Imaṃ là chỉ định từ trong tiếng Sanskrit có nghĩa này/đó, tiếng Hoa là彼 THỬ, tiếng Anh là that/the.
10.4 Āryā đã giải nghĩa ở trên, có nghĩa Đức/Ngài.
11. Valokite Śvara Ramdhava
Việt âm: Bà lô kiết đế Thất Phật ra lăng đà bà (婆卢吉帝、室佛啰楞驮婆)
11.1 Valokite Śvara đã giải nghĩa ở trên là danh hiệu của Đức Quan Âm.
11.2 Ramdhava là Đảo hương, tiếng Anh Fragrant Land, tiếng Hoa là 香山 Hương Sơn hay 慈悲地 Từ Bi Địa hay 补特落迦山 Bổ Đặc Lạc Già Sơn. Đây là đạo tràng của Đức Quan Âm.
12. Namo Narakindi
Việt âm: Nam mô na ra cẩn trì (南无、那啰谨墀)
12.1 Narakindi là danh hiệu khác của Đức Quan Âm, với ý nghĩa là Hiền贤hay Thiện 善, tiếng Anh làVirtuous. Theo Wikipedia, dịch giả Amoghavajra (大廣智不空) Đại Quảng Trí Bất Không, khi chuyển dịch kinh chú đã thay danh hiện Nīlakantha (có nghĩa là Cổ Xanh, tiếng Anh là Blue-Necked) bằng danh hiệuNarakindi.
12.2 Tổng hợp các câu 10,11,12 là một lời vinh danh Đức Quan Âm:
Namas Kṛtvā Imaṃ Āryā Valokite Śvara Ramdhava Namo Narakindi
Kính lễ xong Đức Quan Âm ở Đảo Hương, lại Kính lễ Đức Hiền Thiện.
(Source: Tong hop)
Tên said
Mình rất quan tâm về Chú Đại Bi. Xin được hỏi là ở đây còn có phần 2 của bài viết này không? Xin cảm ơn 😀
Thích Giác Đồng said
Tôi rất mong được đọc tiếp phần 2 của tác giả (?)
Thích Giác Đồng