T H Í C H X Â Y C H Ù A

Mái chùa che chở hồn dân tộc – Nếp sống muôn đời của tổ tông…

Không

Posted by Admin trên 27.09.2013

Chào các bạn,
zen circle
“Không” là khái niệm nền tảng nhất của Phật gia, và là khái niệm mọi người lẫn lộn nhiều nhất. Vì vậy hôm nay chúng ta bàn về Không một chút.

Bát Nhã Tâm Kinh nói về Không:

Xá Lợi Tử, thị chư pháp Không tướng, bất sanh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm.

Này con dòng Xá Lợi, mọi thứ đều có tướng Không, không sinh không chết không dơ không sạch không tăng không giảm.

“Tưóng” là cái ta thấy bên ngoài bằng mắt hay bằng tâm ta, như chúng ta hay nói tướng sang, tướng hiền, tướng làm quan… Và điều gì trên đời cũng có it nhất là một tướng mà ta thấy: Hoa hồng thì đỏ, hoa huệ thì trắng và thơm, xe máy thì có dáng dấp model của nó… Và dù là tướng nào thì mọi thứ đều có sinh có chết, có dơ có bẩn, có tăng lên có giảm xuống… Đó là thế giới mà ta thấy.

Nhà Phật nói tất cả các thứ này đều là phù du, không thực, không bền vững, như là mộng, ảo, bọt, bóng:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán

Tất cả các cái có
Đều như mộng ảo bọt bóng
Như sương, lại cũng như ánh chớp
Hãy cứ như vậy mà nhìn

(Kinh Kim Cang)

“Tướng” của mọi vật vì vậy rất tương đối (relative). Tương đối có nghĩa là có giới hạn—có sinh có chết, có lớn có bé, có dơ có sạch, có tăng có giảm.

Nhưng Phật gia lại nói: Các tướng như vậy thực ra chỉ là cái ta thấy trên bề mặt, như những con sóng nhấp nhô, của một đại dương vô giới hạn gọi là Không. Tất cả mọi thứ trên đời ta thấy đều là những con sóng phù du, sinh ra rồi mất đi, để con sóng khác lại sinh ra, của đại dương Không—tuyệt đối, vô giới hạn, không sinh không chết, không dơ không sạch, không tăng không giảm, không xanh không đỏ, không thơm không hôi… Nói chung là không có giới hạn nào cả. Đó là Tuyệt đối (The absolute). Và Tuyệt Đối đó có tên là Không, vì tên nào khác thì cũng chứa đựng tính giới hạn trong đó.

(Bát Nhã Tâm Kinh dùng từ “tướng Không”. Nhưng sau này người ta thường dùng chữ “tánh” khi nói đến Không, để khởi nhầm lẫn với các tướng phù du).

Tức là Không (tuyệt đối) là cái nền vĩnh cửu (đại dương) của các hiện tượng phù du mộng ảo (các con sóng tương đối) bên trên.

Và vậy Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Mọi sự đều có tướng Không.” Tức là, mọi sự đều phù du mộng ảo, nhưng thực sự là Không, một phần không thể tách rời khỏi Không (như sóng không thể tách rời khỏi biển).

(“Tuyệt đối là cái nền của mọi hiện tượng tương đối” là một tư duy nền tảng của con người, của hầu hết mọi nền văn hóa lớn trên thế giới. Trong những tôn giáo nhân cách hóa Tuyệt đối thì Tuyệt đối là God (Allah, Thượng đế). Và vì không có từ nào để có thể đặt tên cho Tuyệt đối được, nên God trong thánh kinh có tên là “I am” (Ta Hiện Hữu). Và God thì omnipresent, ở khắp mọi nơi, trong mọi tế bào của vũ trụ, bao trùm tất cả, không giới hạn—bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm… )

Đó là vũ trụ quan (cosmology) của Phật gia. Đối với tiểu vũ trụ là con người của ta (tạm gọi là psychology hay super-psychology – tâm lý học hay siêu tâm lý học), thì Phật gia cũng có cùng một quan niệm: Tánh thực của Tâm ta là Không, tĩnh lặng, tuyệt đối. Nhưng có nhiều rác rến tương đối trên mặt làm ta tưởng các rác rến là thật và sinh ra xung động. Nhưng khi ta thấy được ta là Không, tâm ta là Không, tất cả đều là Không, thì Tâm tĩnh lặng hoàn toàn, và không còn thấy rác rến nào trong Tâm nữa. Mọi sự vẫn còn đó trong tâm bây giờ không là rác rến mà chỉ là một phần của Không—không dơ không sạch, không tăng không giảm.

Người ta gọi đó là Tâm Không.

Tâm Không

Thân như tường bích bĩ đồi thì,
Cử thế thông thông thục bất bi ?
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng,
“Sắc”, “không” ẩn hiện nhậm suy di.
(Viên Chiếu thiền sư)

Thân như tường vách đã lung lay,
Lật đật người đời, những xót thay.
Nếu được “lòng không” không tướng sắc,
“Sắc”, “không”, ẩn hiện, mặc vần xoay.
(Ngô Tất Tố dịch)

Nhưng Tâm Không chẳng có gì khác Tâm rác. Mọi sự đều y nguyên vậy, chỉ thay đổi trong một cái nhìn. Cho nên mới nói là qua bên kia bờ rồi mới thấy là chẳng có bờ nào để qua.

Chúc các bạn luôn có Tâm Không.

Mến,

Hoành

© copyright 2013
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Về trang chủ TXC | Home page

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

 
%d người thích bài này: