Vì sao Bồ tát Địa tạng mãi không thành Phật?
Posted by Admin trên 23.02.2018
Ngày tết người người đi chùa thắp nhang lạy Phật, chánh điện rực rỡ với nhiều lời cầu lộc, cầu phước, cầu duyên, cầu tài… khói nhang nghi ngút……. Riêng có 1 vị bồ tát mà ít người quan tâm và đến thắp nhang cúng bái, vị ấy hay đứng cô đơn lặng lẽ ở phía sau hậu cung, thường là nơi tối tăm ít ánh sáng, bên cạnh các hủ tro cốt………
Đó là vị bồ tát mà mình thích nhất trong 6 vị bồ tát. Vị ấy chưa phải là Phật và trăm ngàn kiếp nữa cũng không bao giờ là Phật!!!
Vị ấy thường mặc áo cà sa màu đỏ, đầu đội mũ thất Phật, tay phải cầm tích trượng, tay trái cầm viên ngọc Như ý. (Thường là tượng đứng, nhưng một số nơi có tượng ngồi trên lưng 1 con linh vật màu xanh – đế thính, là con chó cưng trong 1 tiền kiếp khác). Cây tích trượng có 6 cái vòng tượng trưng cho lục đạo luân hồi, viên ngọc Như ý tượng trưng cho ánh sáng xua tan bóng đêm.
Hình tượng Tam tạng đi thỉnh kinh về sau này cũng lấy theo hình tượng của vị bồ tát ấy, cũng mũ thất Phật, cà sa đỏ, tay cầm tích trượng. Nhưng Tam tạng không thể được như vị ấy, còn xa lắm mới được như vị ấy. Tuy nhiên Tam Tạng đã thành Phật, và những người đã được vị ấy cứu vớt với số lượng hằng hà sa số… đã thành Phật, nhưng vị ấy cho đến giờ vẫn chưa thành Phật. Sao kỳ lạ vậy???
Đó là do lời đại nguyện (chưa từng có trong lục đạo) với Phật đà: “Nguyện cứu vớt mọi chúng sanh đang chịu cực hình trong cõi âm ty. Khi nào địa ngục chưa trống rỗng thì sẽ chưa thành Phật.” – và vị ấy chính là Bồ Tát Địa Tạng (BTĐT) – vị bồ tát của tất cả chúng sanh dưới địa ngục hay còn được gọi là giáo chủ cõi U Minh.
“Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật,
Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ-đề”
Lời đại nguyện này có liên quan đến câu chuyện nhân quả luân hồi của người mẹ vị ấy trong 1 tiền kiếp… (Google để xem nhé!). Sau đó vị ấy đã phát đại nguyện như trên, giải thoát mẹ trong kiếp sau (tuy yểu mạng) và kiếp sau nữa bà ấy đã trở thành Phật. Lời đại nguyện là dành cho tất cả chúng sanh.
Trong văn hóa Nhật Bản, Địa Tạng Vương Bồ Tát là vị bồ tát hộ mệnh cho trẻ em, cũng như bảo vệ cho vong linh của trẻ em hay những bào thai chết yểu (đôi khi người ta làm tượng BTĐT có khuôn mặt trẻ em). Cho nên những gì liên quan đến sự siêu thoát của các linh hồn yểu mạng, Vu Lan báo hiếu rằm tháng bảy… người ta thường tụng kinh Địa Tạng.
Chính vì câu chuyện mẹ con báo hiếu nên nhân gian thường nhầm lẫn Bồ tát Địa tạng với đại đức Mục Kiền Liên (1 trong 2 đệ tử hàng đầu của đức Phật Thích Ca, chứng quả A la hán và nổi tiếng là bậc thần thông đệ nhất trong thời kỳ đức Phật tại thế, sau ông tử vì đạo). Trong các chùa tượng Mục Kiền Liên cũng hay đứng tay phải cầm tích trượng nhưng thường không đội mũ, và tay trái không cầm ngọc Như ý mà cầm 1 bát cơm (bát cơm cứu mẹ nổi tiếng trong điển tích Phật giáo.)
Nói về BTĐT còn có 1 giai thoại “không thể không biết” ở chốn thiền môn về cha con Văn Các lão nhân: nhà sư Đạo Minh (con) vì ngưỡng mộ đức Địa Tạng mà xin xuất gia, sau người cha là Mẫn Công vì muốn thuận tiện nghe giảng pháp nên đã bái Đạo Minh làm thầy. Trước xưng hô là “Cha – Con”, sau xưng là “Con – Thầy”, cha trước nuôi dạy cho con, con sau này giảng đạo cho cha… Vào các chùa (nhất là ở Hàn Quốc) các bạn thấy bức tranh có vị Phật ở giữa, hai bên là 2 người đang đứng thỉnh bái, 1 già 1 trẻ, đó là nói về giai thoại này.
Trải qua muôn ngàn số kiếp, đã có không biết bao nhiêu chúng sinh chứng quả thành Phật. Riêng chỉ có BTĐT vì lòng đại từ đại bi tha thiết vô tận cứu độ chúng sinh, vẫn chưa thành Phật. Do lời đại nguyện ấy, đức thế tôn đã phong ngài làm U Minh Giáo Chủ, cứu độ các linh hồn tội lỗi đang bị đọa ở U Minh địa giới hay nhiều người vẫn thường gọi là cõi Diêm Vương Phù Đề.
…
Sau khi có hiểu biết về BTĐT, mỗi lần đến chùa mình hay thắp nhang và khấn nguyện ngài: “Con không mong gì trăm ngàn kiếp nữa Bồ tát sẽ thành Phật, chỉ mong trước mắt cho đất nước VN về sau bớt bớt mấy thằng cha ăn hại, tham nhũng, tàn phá tài nguyên, cảnh quan để làm giàu, bất chấp thủ đoạn mưu cầu lợi ích. Giảm bớt bất công xã hội, giảm sự phân cách tài sản thì con người cũng ít cướp bóc, trộm cắp, lừa đảo nhau hơn… Được vậy thì địa ngục ít phải chen chúc và ngài cũng bớt phải xì-trét hơn. Nam mô Địa Tạng Vương Bồ tát Ma ha tát.”
Mồng 2 tết Mậu Tuất – 2018
Hưng Tre Làng
Thiện Nhuận said
Mũ Thất Phật , trên Mũ có những Vị Phật danh xưng là gì, con không biết là ai , mong người có thể trả lời khuất mắt . Nam Mô A Di Đà Phật , Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát .