Khương Tăng Hội – Người mang đạo Bụt vào Trung Hoa
Posted by Tony Le trên 09.02.2019
Thành danh với bộ kinh “An ban thủ ý” (1) – kinh điển căn bản của Phật giáo nguyên thuỷ cùng nhiều thành tựu quan trọng khác, vị hoà thượng của xứ Giao Chỉ xứng đáng được tôn xưng là Sơ tổ của Đạo Bụt Việt Nam, và được lịch sử ghi nhận là người đầu tiên mang Đạo Bụt vào Trung Hoa.
Thời đầu Công Nguyên, Ấn độ có những mối giao thương với La Mã xa xôi, vì thời tiết nên thương lái hay tạm dừng chân ở Giao Chỉ (thủ phủ là Luy Lâu) khoảng 1 năm rồi mới quay về nhà. Khương Tăng Hội (KTH) là con của 1 lái buôn người nước Khương Cư (Sogdian, Bắc Ấn) với 1 người bản xứ (vài tài liệu ghi là cha Iran – mẹ Việt). Ngày xưa người ở nước nào thì lấy họ là tên của nước đó (nên ông mới có họ Khương). KTH sinh ra ở đất Giao Chỉ (vào khoảng năm 180 – 190) từ nhỏ đã rất thông minh. Chẳng may mới 10 tuổi đã mồ côi cha mẹ, cậu vào tu ở một ngôi chùa gần nhà (sau này được xác định là chùa Dâu – Bắc Ninh). Trí tuệ hơn người nên cậu sớm tinh thông Tam tạng (Kinh Luật Luận), biết Phạn ngữ và Hán ngữ, giỏi cả Nho, Lão…
Đến khi trưởng thành thì thọ giới Cựu túc (Tỳ kheo giới), tu sĩ muốn thọ cảnh giới này phải đạt đủ 250 giới của nhà Bụt và phải có Tam sư Thất chứng (10 vị thầy) ngồi làm lễ và thực chứng cho, như vậy thì trước KTH nước ta đã có nhiều vị hoà thượng khác nữa… Lúc đó Trung Hoa chưa có bất kỳ ngôi chùa hay đạo tràng nào, dân chúng cũng chưa được triều đình cho xuất gia… và các vị tổ sư như Đạt Ma, Huệ Năng, Đường Tam Tạng, v.v… thì còn lâu lắm mới xuất hiện!
KTH đã có nhiều công trình kinh sách quan trọng, đáng kể nhất là 3 bộ kinh: An ban thủ ý, Pháp cảnh, Đạo thọ. Cho đến gần 50 tuổi, từ Luy Lâu (Bắc Ninh) ông mới chống tích trượng tre, đội nón lá qua truyền giáo ở Trung Hoa, Đạo Bụt lúc đó mới lan truyền đến Bành Thành (Giang Tô) và Lạc Dương (Hà Nam) tạo nên 3 trung tâm Bụt giáo lớn nhất vùng Đông Á lúc bấy giờ.
Cụ thể là từ năm 247, KTH từ Luy Lâu sang Kiến Nghiệp (kinh đô của Đông Ngô) để hoằng hoá. Vua Ngô Tôn Quyền cho xây chùa Kiến Sơ, là ngôi chùa đầu tiên ở xứ Trung Hoa (trước đó ở đây chỉ có vài sinh hoạt Bụt giáo rời rạc, chưa có chùa và tăng)…..
Chùa Dâu (Bắc Ninh), nơi tu học khi còn nhỏ của Thiền sư Khương Tăng Hội
Đến thời Tôn Hạo (con của Tôn Quyền), vị vua này không tin vào Bụt pháp, cho là tà đạo của ngoại quốc, đã cho đàn áp chư Tăng, phá huỷ chùa chiền, đổi tên chùa Kiến Sơ thành Thiên Tử. Vua còn sai Trương Dực đi tranh luận với KTH bằng Nho, Lão. Như đã nói ở trên, từ nhỏ KTH đã có nhiều hiểu biết nên đã cho Trương Dực thấy đâu là chân lý. Ông này về tâu với vua rằng “đã không còn lý lẽ để đối đáp” với KTH. Cộng thêm sau đó là căn bệnh quái ác ập đến do vua khinh khi phỉ báng tượng Bụt. KTH đã nhân từ cứu vua khỏi bệnh….. Nhờ vậy vua cho mời KTH vào cung, xin quy y và thọ 5 giới, tái thiết lại các chùa chiền đã phá hoại trước đó, phát triển mở rộng trung tâm Bụt giáo Kiến Sơ…
KTH truyền giáo ở Trung Hoa đến năm 280 thì viên tịch, tổng cộng 33 năm. Hệ phái thiền tông đại thừa KTH (trước cả Hoa Nghiêm, Duy Thức) còn được lan truyền đến thế kỷ XI và sau này vẫn được nhiều đại sư Trung Hoa tôn sùng và nhắc đến.
Tôn Xước – 1 vị trí thức trong hoàng gia Đông Ngô đã từng đề thơ trên tranh vẽ ngài KTH như sau:
“ Lặng lẽ 1 mình đó là khí chất
Tâm không bận bịu, tình không vướng mắc
Đêm đen soi đường, lòng người thức giấc
Vượt cao đi xa, thoát ngoài cõi tục”
Tác giả và tượng Thiền sư KTH tại Tổ đình Giác Nguyên
Ngày nay KTH đã bắt đầu được các chùa ở Việt Nam thờ phụng trang trọng và tôn xưng là vị Sơ tổ (Tổ sư đầu tiên) của Thiền tông Việt Nam. Tranh tượng Tổ sư KTH dễ nhận ra với đặc trưng ở cổ áo, tích trượng tre và chiếc nón lá. Gợi ý cho các nhà làm phim đây cũng là 1 trong những đề tài hấp dẫn để có những bộ phim đắt giá tạo dấu ấn cho đất nước – con người Việt Nam. TQ làm phim Tây Du ký để “lăng xê” Đường Tam Tạng, Việt Nam sao không làm được điều tương tự nhỉ?
Mồng 3 Tết Kỷ Hợi 2019
Hưng Tre Làng (tổng hợp)
——-
(1) Kinh An ban thủ ý (Anapànasàtisutta) là quyển kinh căn bản về Thiền quán của Bụt giáo Nam tông mà qua hơn hai ngàn năm, từ thế hệ này đến thế hệ khác, chư Tăng các nước Bụt giáo Nguyên thủy như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan v.v… đều thực tập hành trì làm nền tảng cho đời sống tịnh tu. Ngày nay, tại các nước Âu Mỹ, các thiền sư Nam tông thuần thục hai phương pháp Samatha (dừng chỉ loạn tâm) và Vipassana (quán sát tự tánh) là dựa trên ý chỉ của kinh này và kinh Tứ niệm xứ.
An ban thủ ý kinh được dịch ra Việt ngữ và gọi là kinh Quán niệm hơi thở (quán chiếu hơi thở để giữ tâm ý). Ta có thể nói kinh này là nền tảng căn bản chung cho tiến trình thực tập Thiền quán, siêu việt cả Nam và Bắc tông, bao gồm mọi hệ phái chú trọng về pháp hành trong Bụt giáo. Đây là phương pháp hành trì chân chính, căn bản duy nhất, mà ngay chính Thái tử Tất Đạt Đa khi chưa giác ngộ cũng đã phải trải qua một thời gian 49 ngày dưới cội bồ-đề, mới có thể thực chứng, giác ngộ, thành Bụt.
—-
Xem thêm:
• Đại sư Khương Tăng Hội – Sơ tổ của Thiền tông Việt Nam
• Bộ video clip: Thiền sư Khương Tăng Hội – Thích Nhất Hạnh
Trả lời